Chúng ta thường được nghe trên những kênh thời tiết về tin tức của gió mùa Đông Bắc. Chắc hẳn đây không là thuật ngữ xa lạ với chúng ta, đặc biệt là người dân miền Bắc. Do ảnh hưởng lớn của gió mùa vào mỗi mùa đông nên chúng ta luôn được thông báo để có những sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Vậy, gió mùa Đông Bắc là gì? Tại sao gọi là gió mùa Đông Bắc? Ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau:
Gió mùa Đông Bắc là gì?
Gió mùa Đông Bắc hay còn gọi là gió Bắc, gió Đông Bắc hay gió mùa mùa Đông. Đây là một thuật ngữ để chỉ sự di chuyển của một khối khí lạnh từ trung tâm cao áp Trung Á và Xibia thổi về xích đạo, đi ngang qua lãnh thổ Việt Nam gây ra gió mạnh, trời rét và làm cho thời tiết chuyển biến xấu. Chúng được quan niệm như loại gió chướng hay gió tật phong, ý muốn nói đây là một loại gió xấu, không tốt cho sức khỏe.
Tại sao gọi là gió mùa Đông Bắc
Đầu tiên là khái niệm gió mùa. ‘Gió mùa’ là loại gió thổi theo mùa (ở thời gian nhất định) trong một khu vực. Theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), gió mùa được hình thành do sự chênh lệch nhiệt độ giữa đất liền và đại dương liền kề. Nước ta có hai loại gió mùa, bao gồm: Gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hè.
Vào mùa đông, nhiệt độ trong đất liền thấp hơn nhiệt độ trên biển mà không khí luôn chuyển động từ vùng không khí lạnh sang vùng không khí nóng. Do đó, gió mùa mùa đông sẽ hoạt động, thổi từ trung tâm áp cao Xibia thổi xuống, gió đi vào nước ta từ hướng Đông Bắc ra biển nên được gọi là gió mùa Đông Bắc.
Tính chất của gió mùa Đông Bắc
Gió mùa Đông Bắc hoạt động theo từng đợt, các đợt gió sẽ không kéo dài liên tục, cường độ hoạt động mạnh nhất thường vào mùa đông.
Ở miền Bắc nước ta mùa đông thường kéo dài 2-3 tháng, đây cũng là khoảng thời gian dễ xuất hiện gió mùa Đông Bắc nhất trong năm. Sau đó, khi được di chuyển xuống phía Nam, gió mùa Đông Bắc thường suy yếu dần bởi bức chắn địa hình là dãy Bạch Mã.
Thời gian hoạt động của gió mùa Đông Bắc
Thời gian hoạt động của gió mùa Đông Bắc trong nước ta thường từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Vào đầu mùa đông (tháng 11, 12, 1): hạ áp Alêut hoạt động mạnh hút khối không khí lạnh xuất phát từ cao áp Xibia lúc này đang nằm ở trung tâm lục địa Á – Âu, thổi qua lục địa, có đặc tính lạnh, khô, mang lại thời tiết lạnh, khô cho miền Bắc.
Nửa sau mùa đông (tháng 2, 3, 4): cao áp Xibia dịch chuyển sang phía đông, hạ áp Alêut suy yếu thay vào đó hạ áp Oxtraylia hoạt động mạnh lên, hút gió từ cao áp Xibia. Gió này thổi qua biển sau đó mới đi vào đất liền mang theo hơi ẩm từ biển gây nên thời tiết lạnh ẩm, mưa phùn cho vùng ven biển và đồng bằng ở miền Bắc.
Hệ quả của gió mùa Đông Bắc
Tạo ra sự phân mùa khí hậu
+ Miền Bắc có sự phân chia thành mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều.
+ Ở miền Nam có một mùa mưa và một mùa khô rõ rệt.
+ Miền Trung có mùa hạ rất khô và nóng, mùa mưa lùi về thu đông.
Ảnh hưởng đến cuộc sống
Gió mùa Đông Bắc được đánh giá là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Khi nó tràn về ngoài khơi vịnh Bắc Bộ gió có thể mạnh đến cấp 6-7, thậm chí cấp 8, có thể đánh đắm tàu thuyền. Đất liền gió cấp 4-5, có lúc cấp 6, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao. Đặc biệt, trong thời kỳ giao mùa (tháng 3, 4 và tháng 9, 10), không khí lạnh còn gây ra mưa to, gió lớn, dông, tố lốc, có khi cả mưa đá. Vào những tháng chính đông (tháng 12, tháng 1), đêm về trời quang mây, gây ra sương muối, băng giá, rét đậm, rét hại, thậm chí có năm cả tuyết rơi trên vùng núi cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của con người.
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu về gió mùa đông bắc qua bài viết trên. Hy vọng, chúng tôi đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích. Hãy cùng theo dõi để biết thêm nhiều điều thú vị nhé!