Lao màng não là trường hợp hiếm gặp ở bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB) nhưng có nguy cơ tử vong cao nhất trong các loại bệnh lao hiện nay. Nguy hiểm hơn, dấu hiệu lao màng não thường tương tự với nhiều bệnh lý khác khiến việc phát hiện và điều trị kịp thời gặp nhiều khó khăn.
1. Có những loại bệnh lao nào?
Lao là bệnh lý được khá nhiều người biết đến, nhất là lao phổi. Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra với con đường lây truyền qua không khí xung quanh.
Bệnh lao được chia thành hai nhóm, đó là:
- Lao phổi: Đây là tình trạng vi khuẩn gây tổn thương chủ yếu ở phổi. Tình trạng tổn thương ở cả phổi và các cơ quan khác vẫn được xếp vào nhóm lao phổi.
- Lao ngoài phổi: Đối với nhóm bệnh này, tình trạng tổn thương thường gặp ở các cơ quan khác như màng bụng, hạch, não, cơ quan sinh dục, da, xương, khớp, màng tim, màng não… Cơ quan nào có tổn thương nặng nhất sẽ được xác định là chẩn đoán chính.
Trong các loại bệnh lao thì lao màng não chỉ chiếm 5% trong tổng số các ca bệnh lao ở nước ta. Tuy nhiên, đây lại là thể nguy hiểm nhất và có tiên lượng nặng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Người bị bệnh lao màng não sau khi hôn mê sâu mới nhập viện điều trị thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Trong trường hợp có thể cứu sống thì nguy cơ gặp phải các biến chứng như sống thực vật, động kinh, liệt dây thần kinh hay mù mắt rất cao.
2. Nguyên nhân lao màng não
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn lao sẽ theo đường máu và tấn công lên não, màng não.
Lao màng não có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, ở người lớn thường gặp trong độ tuổi từ 20-50, trẻ em từ 1-5. Tỷ lệ mắc lao màng não ở nam và nữ khác nhau, trong đó nam giới chiếm ưu thế.
Về nguyên nhân lao màng não là do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB- vi khuẩn hiếu khí) gây ra thông qua đường không khí. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn MTB thì đều mắc bệnh lao, bởi các nghiên cứu chỉ ra cứ 10 người nhiễm vi khuẩn thì chỉ có 1 người mắc bệnh.
Bên cạnh nguyên nhân lao màng não do vi khuẩn MTB gây ra thì những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Suy giảm hệ miễn dịch: Vi khuẩn MTB thường ủ bệnh trong thời gian dài và chờ khi hệ miễn dịch của con người suy yếu thì sẽ tấn công ngay lập tức. Một số bệnh lý thường ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như HIV, tiểu đường, bệnh thận, một số loại ung thư, suy dinh dưỡng… Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc như corticoid, hóa chất điều trị ung thư, thuốc viêm khớp dạng thấp, thuốc điều trị bệnh vẩy nến, bệnh crohn cũng cũng có ảnh hưởng nhất định đến hệ miễn dịch.
- Sinh sống hoặc đến những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao cao: Một vài khu vực như châu Phi, Đông Âu, châu Á, Nga, Mỹ la-tinh, đảo caribbean có tỷ lệ người mắc bệnh lao khá cao và dĩ nhiên việc sinh sống hay đi du lịch qua các địa điểm này cũng khiến bạn có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn MTB.
- Môi trường làm việc: Nếu làm những công việc như chăm sóc người bệnh lao; sống hoặc làm việc trong nhà tù, nhà tạm trú, bệnh viện tâm thần hoặc viện dưỡng lão… thì khiến bạn dễ mắc bệnh lao hơn so với những người làm công việc khác.
3. Dấu hiệu lao màng não ở người bệnh
Dấu hiệu lao màng não ở người bệnh nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng điển hình như sau:
- Sốt cao kéo dài, tình trạng có thể tăng lên vào buổi chiều tối.
- Nhức đầu khu trú hoặc lan tỏa, đau liên tục và thành từng cơn một. Khi có kích thích sẽ đau âm ỉ hoặc dữ dội hơn nữa.
- Nôn mửa.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Đau bụng.
- Đau các khớp, cột sống, chi.
- Bí tiểu.
- Đại tiểu tiện không tự chủ.
- Liệt dây thần kinh sọ, liệt chi.
- Động kinh, rối loạn tâm thần.
- Hôn mê.
Mặc dù, lao màng não triệu chứng rất phong phú nhưng khá giống với nhiều bệnh về não khác nhau như u não, xuất huyết não, viêm màng não mủ… Do đó, việc chẩn đoán lâm sàng thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí là chẩn đoán nhầm khiến việc điều trị ban đầu sai sót. Bên cạnh đó, việc xác định chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn bởi tỷ lệ báo âm tính giả lên đến 50% khiến việc điều trị chậm trễ, tỷ lệ tử vong tăng cao.
Tóm lại, lao màng não là bệnh lý nguy hiểm và việc chẩn đoán cũng cần mất nhiều thời gian. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra, thăm khám để được điều trị sớm trước khi bệnh tiến triển nặng.