Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng qua đường hô hấp, vì thế sởi có thể bùng thành dịch theo từng đợt khiến nhiều trẻ nhiễm bệnh. Với thành tựu y học hiện đại, có nhiều cách phòng bệnh sởi hiệu quả, giúp bé yêu được bảo vệ tối đa khỏi nguy cơ lây nhiễm.
1. Bệnh sởi và con đường lây nhiễm
Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng, vì thế dù xuất hiện từ lâu nhưng trên thế giới vẫn thỉnh thoảng bùng phát dịch sởi. Ở Việt Nam, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy cơ cao ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi.
Ở Việt Nam, mùa dịch sởi thường là mùa đông xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, song vẫn nhiều trường hợp bệnh được ghi nhận rải rác trong năm. Trẻ em vùng núi, vùng cao với điều kiện kinh tế còn hạn chế có tỉ lệ mắc bệnh sởi cao hơn.
Con đường lây truyền của virus sởi là qua đường hô hấp, khi người lành hít phải dịch tiết mũi họng của người bệnh khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, xì mũi, khạc đờm,… Người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng, còn đang trong giai đoạn ủ bệnh vẫn có nguy cơ gây lây nhiễm nên rất khó để phát hiện và cách ly.
Trẻ nhỏ dễ mắc sởi do lây nhiễm virus gây bệnh từ môi trường đông người như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, khu vực đông dân cư,… Bất cứ ai kể cả trẻ em và người lớn chưa có kháng thể do chưa từng tiêm phòng hoặc mắc bệnh đều có nguy cơ.
2. Các phòng bệnh sởi đơn giản, hiệu quả
Virus sởi có khả năng lây lan vô cùng nhanh, cụ thể, trung bình 1 người mắc bệnh sởi sẽ lây cho khoảng 20 người lành. Trong đó, trẻ em là đối tượng nhạy cảm, khi bị virus tấn công dễ khởi phát bệnh và triệu chứng nặng do hệ miễn dịch còn non yếu. Do đó, phòng bệnh sởi chủ động được khuyến cáo để giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh.
2.1. Tiêm vắc xin – cách phòng bệnh sởi
Đây là biện pháp phòng sởi hiệu quả nhất, đặc biệt với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn yếu. Vắc xin sởi cũng đã được Bộ Y tế đưa vào sử dụng là vắc xin thường quy trong chương trình Tiêm chủng mở rộng miễn phí cho cộng đồng.
Trẻ nên được tiêm vắc xin sởi từ sớm với mũi đầu tiên khi trẻ được 9 – 11 tháng tuổi, mũi tiêm thứ 2 để bổ sung miễn dịch khi trẻ 18 tháng tuổi. Nên tiêm đủ hai mũi ở thời điểm thích hợp theo khuyến nghị của bác sĩ để đảm bảo miễn dịch tốt nhất.
2.2. Vệ sinh cá nhân và làm sạch môi trường sống
Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus sởi, cha mẹ nên chú ý vệ sinh cơ thể trẻ hàng ngày cũng như thường xuyên làm sạch môi trường sống xung quanh.
- Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh mũi bằng dung dịch rửa mũi, nước muối sinh lý thường xuyên vì đây là nơi virus dễ xâm nhập gây bệnh nhất.
- Hạn chế đưa trẻ đến nơi công cộng, nơi đông người trong mùa dịch sởi, đây là môi trường phức tạp có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người có dấu hiệu mắc bệnh sởi.
- Vệ sinh da sạch sẽ cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo thấm hút mồ hôi tốt, mềm mại.
Môi trường sống ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để virus sởi cũng như các tác nhân gây bệnh khác phát triển, do đó hãy lưu ý vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, sát khuẩn, thường xuyên.
2.3. Tăng cường sức đề kháng – cách phòng bệnh sởi
Sức khỏe cũng như vệ sinh làn da sạch sẽ rất quan trọng trong phòng ngừa sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác bởi da có diện tích lớn, thường là nơi tác nhân gây bệnh trú ẩn đầu tiên trước khi tấn công. Do đó, tăng cường sức đề kháng của da nói riêng và sức đề kháng cơ thể trẻ nói chung là cách phòng ngừa sởi hiệu quả.
Dưới đây là những biện pháp đơn giản để tăng khả năng kháng bệnh cho cơ thể:
Chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng quyết định một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Với trẻ nhỏ, cần cung cấp dinh dưỡng cho trẻ bằng chế độ ăn đầy đủ các loại dưỡng chất, giàu protein, acid béo, Vitamin và khoáng chất từ các loại rau quả và trái cây.
Ngoài ra, trẻ nên ăn nhiều sữa chua để bổ sung acid lactic, các loại lợi khuẩn tốt cho tiêu hóa và miễn dịch. Đặc biệt, acid lactic có đặc tính chống nấm men, giúp làn da hình thành lớp bảo vệ chống lại nhiễm trùng rất hiệu quả.
Tập thể dục thường xuyên
Trẻ nhỏ cần thường xuyên vận động ngoài trời, hướng trẻ tới những môn thể thao yêu thích phù hợp với lứa tuổi để vừa phát triển thể chất tốt, vừa tăng sức đề kháng cho cơ thể. Không nên để trẻ lười vận động, sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian quá dài mà cần khuyến khích trẻ ra ngoài, vận động và vui chơi.
Dùng sản phẩm vệ sinh da phù hợp
Không chỉ có hệ miễn dịch nhạy cảm mà làn da của trẻ còn rất dễ bị tổn thương và tấn công bởi vi trùng, vì thế hãy lựa chọn sữa tắm, xà phòng tắm hay nước vệ sinh tay phù hợp với trẻ. Không nên cho trẻ dùng cùng loại sản phẩm làm sạch, tẩy rửa với người lớn vì dễ khiến làn da của trẻ tổn thương hơn.
3. Triệu chứng sớm nhận biết bệnh sởi cha mẹ nào cũng cần biết
Sau khi nhiễm virus sởi, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7 – 14 ngày, sau đó người bệnh mới khởi phát triệu chứng. Sốt kèm phát ban là triệu chứng điển hình của sởi song thường xuất hiện khá muộn, đi sau tình trạng ho, sốt cao, sổ mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt,…
Những vết phát ban do sởi là những đốm đỏ, phẳng, nổi trên bề mặt da. Vùng da xuất hiện phát ban đầu tiên thường là phần chân tóc, sau đó lan dần xuống ngực, cổ, thân, tay chân. Phát ban sẽ xuất hiện cùng các đợt sốt cao, thậm chí trẻ có thể sốt đến 40 độ C hoặc hơn kèm theo co giật, mất nước, mê man,…
Biết cách phòng bệnh sởi là cần thiết bởi bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hãy chú ý lịch và thực hiện tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ để tạo miễn dịch chủ động, giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.