Bệnh Lao thận là gì? Có nguy hiểm không cùng xem ngay nguyên nhân, cách nhận biết triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị bệnh cho hiệu quả, tham khảo ngay bài viết sau
Tổng quan bệnh Lao thận
Lao thận là một dạng bệnh do vi khuẩn lao gây ra và hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do tình trạng lây nhiễm từ lao phổi. Vi khuẩn lao có khả năng di chuyển từ phổi đến các vùng cơ quan khác nhau trong cơ thể để xâm nhập và gây tổn thương, thận cũng không phải ngoại lệ.
Bệnh lao thận còn được biết đến như một căn bệnh nguy hiểm của nam giới trong độ tuổi từ 20 – 45 tuổi (số ca mắc bệnh lao thận ở nam giới cao hơn rất nhiều lần so với nữ giới). Bệnh phát triển một cách âm thầm rất khó phát hiện sớm, tình trạng bệnh ban đầu sẽ xuất hiện ở 1 bên gây tổn thương hay thậm chí phá hủy toàn bộ chức năng 1 bên thận. Vi khuẩn lao sau đó sẽ nhanh chóng lây lan sang bên còn lại nếu người bệnh không được kịp thời chữa trị.
Ngoài những tổn thương đến thận thì người bệnh còn có nguy cơ mắc phải các bệnh lao ở những vùng cơ quan khác do vi khuẩn lao lây lan tới.
Nguyên nhân bệnh Lao thận
Vi khuẩn lao có thể sống trong cơ thể nhưng hoàn toàn không phát bệnh gây hại cho người bệnh (dạng tiềm ẩn của bệnh lao). Tuy nhiên, chúng sẽ lập tức hoạt động cực mạnh khi cơ thể bị suy yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh đang mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp khác,… Khả năng lây lan vi khuẩn lao giữa các cơ quan trong cơ thể cũng rất cao (đặc biệt là phần phủ tạng), hoạt động của chúng lại khá âm thầm nhưng lại gây tổn thương lớn tới các cơ quan chúng gây bệnh.
Hầu hết trường hợp bệnh lao thận xuất hiện do hậu quả từ bệnh lao phổi. Cụ thể thì trong phổi người bệnh lao có chứa một loại trực khuẩn có thể di chuyển đến thận để gây bệnh đó là Mycobacterium tuberculosis. Loại trực khuẩn này sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết di chuyển đến thận gây ra các tổn thương đến nhu mô ở thận. Tại môi trường ưu trương trong các cấu trúc của cầu thận, khi các tế bào thực bào bị suy yếu chức năng tiêu diệt vi khuẩn gây hại thì các trực khuẩn lao sẽ dễ dàng phát triển và dần lây lan sang các cơ quan lân cận.
Mặc dù khả năng cả hai thận đều bị trực khuẩn xâm nhập là như nhau, thế nhưng hầu hết các trường hợp người bệnh phát hiện và điều trị đều ở dạng lao thận 1 bên.
Triệu chứng bệnh Lao thận
Ngay khi người bệnh bị các vi khuẩn lao xâm nhập vào vùng thận để gây hại thì đối tượng bị tổn thương đầu tiên sẽ là các nhóm nhu mô. Ở giai đoạn đầu tiên này thì các triệu chứng bệnh thường chưa xuất hiện rõ ràng mà chỉ âm thầm phát triển. Chỉ tới lúc lao thận đã có triệu chứng lây lan sang các vùng cơ quan lân cận khác như hệ tiết niệu hay cơ quan sinh dục thì người bệnh mới bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi bất thường từ cơ thể.
Những triệu chứng bệnh ban đầu sẽ là tiểu rắt, đi tiểu nhiều lần (đặc biệt xuất hiện nhiều vào ban đêm), người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu tiện nhưng mỗi lần đi tiểu số lượng ít, tiểu xong bệnh nhân vẫn có cảm giác mót tiểu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do tình trạng viêm, phù nề gây tắc niệu quản, nước tiểu lại bị giữ lại trong bể thận, thành bàng quang dày lên do viêm, hoặc xuất hiện sỏi tiết niệu.
Tiểu buốt là triệu chứng thường gặp trong lao đường tiết niệu (buốt vùng tiết niệu, buốt lan sang 2 bên đùi và lan rộng lên trên ổ bụng). Màu sắc nước tiểu trường hợp lao thận giai đoạn nhẹ mới chỉ bị vẩn đục, còn trường hợp nặng hơn có thể tiểu ra kèm máu. Trong lao thận, vi khuẩn lao có thể dễ dàng lây lan xuống bàng quang và niệu quản, niệu đạo gây ra triệu chứng trên.
Một số triệu chứng lao thận cũng sẽ tương tự như các bệnh về lao khác: Sốt, ho, sụt cân nhanh, thường xuyên ra mồ hôi vào ban đêm,…
Các biến chứng bệnh Lao thận
Bệnh lao không chỉ nguy hiểm về khả năng lây lan nhanh mà ảnh hưởng mà chúng gây ra cũng rất nghiêm trọng. Trường hợp người bệnh lao thận không được phát hiện và có phương pháp chữa trị đúng đắn thì bệnh tình rất dễ gây ra các biến chứng nặng.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nặng
- Vi khuẩn lao xâm nhập và phá hủy các cấu trúc của thận làm chúng dần mất đi chức năng vốn có, khả năng suy thận, thậm chí hoại tử thận thận là rất cao.
- Tình trạng viêm thận kẽ xuất hiện sẽ dẫn đến suy thận mạn và không thể chữa trị.
- Suy thận cấp tính dẫn tới thiểu niệu hoặc vô niệu
- Tình trạng niệu đạo bị co hẹp dần vì viêm nhiễm, sỏi hình thành nhiều gây tắc nghẽn đường tiết niệu, Ure và creatinin máu tăng, suy vỏ thượng thận cấp,…
- Thận tổn thương hoàn toàn và buộc phải phẫu thuật cắt bỏ
- Trong khi bị lao thận người bệnh cũng sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng huyết áp thay đổi bất thường, huyết áp tăng cao.
Đường lây truyền của bệnh
Như bạn đã biết thì bệnh lao phổi được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất không chỉ bởi vì sức ảnh hưởng của bệnh tới chất lượng sức khỏe người bệnh mà còn bởi vì tính lây truyền bệnh cực kỳ dễ dàng. Tương tự như vậy, bệnh lao thận cũng bắt nguồn từ bệnh lao phổi cho nên khả năng lây nhiễm bệnh lao thận cũng cao tương tự.
Vi khuẩn lao có thể được lây lan thông qua đường hô hấp. Chính vì vậy, những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao cần được điều trị kịp thời cũng như giữ khoảng cách an toàn đối với những người thân xung quanh, hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền bệnh. Từ việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân, giao tiếp đều cần phải chú ý khoảng cách với người bệnh lao. Biện pháp tốt nhất để tránh lây truyền bệnh lao là phải để bệnh nhân vào phòng cách ly riêng, các bác sĩ và người thân phải đeo khẩu trang và các vật dụng y tế khi tiếp xúc với người bệnh.
Hầu hết những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị lao sẽ có thể hít phải các vi khuẩn lao vào cơ thể ngay lập tức. Các vi khuẩn lao sẽ theo đường hô hấp tới phổi và phế quản sau đó sẽ theo đường máu để di chuyển đến các vùng cơ quan khác nhau. Tuy vậy, đối với những người có sức đề kháng tốt thì vi khuẩn lao hoàn toàn có thể bị đào thải hoặc nằm im trong cơ thể người chờ đợi thời cơ để phát triển. Do đó, mỗi cá nhân cần giữ gìn cơ thể luôn ở trạng thái tốt nhất, sức đề kháng cao nhất để không dễ dàng bị mắc bệnh lao.
Lao thận còn có một con đường lây truyền khác đó là qua con đường quan hệ tình dục. Vi khuẩn lao sẽ có thể lây trực tiết từ cơ quan sinh dục người mắc lao thận – sinh dục sang cơ quan sinh dục của đối tác. Vì vậy, việc tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là một việc làm cần thiết. Nhất là với các đối tượng tình một đêm, mua bán dâm,…
Đối tượng nguy cơ bệnh Lao thận
Bệnh lao sẽ không loại trừ bất kỳ ai thế nhưng những đối tượng sau đây được xem là có nguy cơ mắc bệnh lao, hay tình trạng lao thận cao hơn bình thường:
- Những người sống hoặc du lịch tới những vùng có tỉ lệ mắc bệnh lao rất cao. Ví dụ như: Ấn độ, Trung Quốc, Nga, khu vực phía nam Sahara Châu Phi, Pakistan,…
- Những đối tượng thường xuyên hút thuốc lá hoặc các chất gây nghiện khác.
- Những người đang làm việc trong môi trường y tế, chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nếu không được bảo vệ bằng các vật dụng y tế sẽ rất dễ bị lây bệnh.
- Nhóm người đang gặp phải tình trạng bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý như: Bệnh tiểu đường, các bệnh về ung thư, tình trạng bệnh thận giai đoạn cuối, HIV/AIDS,…
- Những người đang được điều trị bệnh bằng các biện pháp như hóa trị, sử dụng thuốc chữa bệnh xương khớp, các loại thuốc kháng sinh liều mạnh,… tất cả đều có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, nguy cơ bị các vi khuẩn lao xâm nhập rất cao.
- Những người bị suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ bị lao thận.
Phòng ngừa bệnh Lao thận
Phòng ngừa bệnh lao thận cũng tương tự như phòng ngừa các bệnh lý lao cơ quan khác. Tuy nhiên, cần chú ý đặc biệt đối với việc tiếp xúc gần với người đang có bệnh lao.
- Chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dưỡng chất sẽ tạo nên một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt có thể đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm. Các bài tập thể dục thể thao cũng cần được bổ sung nhằm nâng cao sức khỏe.
Chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dưỡng chất sẽ tạo nên một cơ thể khỏe mạnh
- Hạn chế đi tới các vùng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Chú ý tới các vật dụng y tế bảo vệ hệ hô hấp khi chăm sóc người mắc bệnh lao.
- Chữa trị dứt điểm các bệnh lý về đường hô hấp.
- Tiêm phòng BCG để phòng ngừa bệnh lao
Các biện pháp chuẩn đoán bệnh Lao thận
Ngay khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên có nghi ngờ do bệnh lao gây ra thì đừng chần chừ mà không tìm tới các cơ sở y tế uy tín để khám chữa bệnh. Tuyệt đối không tùy tiện mua thuốc về nhà tự điều trị khi chưa có sự hướng dẫn từ các y bác sĩ có chuyên môn.
Đầu tiên các bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử mắc bệnh của người bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng hiện có để xác định thực hiện các biện pháp chẩn đoán bệnh hợp lý. Một số xét nghiệm để chẩn đoán lao như sau:
Thử phản ứng lao tố (hay phương pháp xét nghiệm lao qua da): Đây là phương pháp xét nghiệm nguy cơ bệnh lao qua da rất phổ biến. Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ loại dung dịch có tên tuberculin vào trong lớp da vùng cánh tay, sau khoảng 48 giờ đồng hồ các bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu bất thường từ vùng da được tiêm và đưa ra các biện pháp thực hiện tiếp theo.
- Nếu kết quả kiểm tra ra dương tính đồng nghĩa với việc người bệnh đã bị nhiễm lao vì vậy cần cần được điều trị ngay mà không cần thử các xét nghiệm khác nữa.
- Trong trường hợp xét nghiệm ra kết quả âm tính thì khả năng cao người bệnh không có nguy cơ bị nhiễm lao. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn thì đôi khi các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác nữa.
Xét nghiệm máu: Phương pháp này nhằm xác định phản ứng của hệ miễn dịch người bệnh với vi khuẩn lao có mạnh mẽ hay không. Loại xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm phóng thích interferon-gamma (hay xét nghiệm IGRAs):
- Kết quả xét nghiệm IGRAs dương tính: Người bệnh bị nhiễm lao và cần được điều trị ngay, không cần thực hiện các xét nghiệm khác.
- Kết quả xét nghiệm IGRAs âm tính: Nguy cơ bệnh nhân nhiễm lao là không có tuy nhiên người bệnh vẫn có thể được chỉ định kiểm tra thêm với các xét nghiệm khác.
Phương pháp xét nghiệm IGRAs có 2 loại xét nghiệm là: T-SPOT®.TB test (T-Spot) và QuantiFERON®–TB Gold In-Tube test (QFT-GIT). Ưu điểm của loại xét nghiệm này là không mất quá nhiều thời gian chờ đợi như phương pháp xét nghiệm qua da.
Xét nghiệm qua hình ảnh kết hợp với dịch tễ học: Phương pháp này là sự kết hợp giữa việc chụp X-quang hoặc chụp CT và sau đó kiểm tra mẫu đàm từ người bệnh.
- Khi hình ảnh chụp X-quang hoặc chụp CT cho thấy trong vùng phổi có các đốm trắng và các biến đổi về phổi do vi khuẩn lao tác động, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm dịch tễ để xác định sự xâm nhập của lao.
- Mẫu đàm, hay được hiểu là chất nhầy được bệnh nhân ho ra sẽ được xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn lao. Không chỉ xác định được tình trạng bệnh nhân có phải do lao gây ra hay không mà xét nghiệm đàm còn cho thấy các chủng lao hiện có, các loại thuốc sẽ được chỉ định điều trị phù hợp nhất.
Mặc dù phương pháp này có khả năng đưa ra phương hướng điều trị bệnh phù hợp nhất thế nhưng thời gian chờ đợi kết quả lại khá lâu (từ 4 – 8 tuần). Chính vì vậy, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng người bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chẩn đoán bệnh hợp lý nhất hoặc kết hợp nhiều phương pháp cùng lúc.
Tại bệnh viện đa khoa Medlatec, bệnh nhân nghi ngờ lao thận sẽ được làm xét nghiệm Quantiferon TB Gold Plus, chụp CT 128 dãy hệ tiết niệu, chụp cộng hưởng từ hệ tiết niệu, sinh thiết thận,… để chẩn đoán lao.
Các biện pháp điều trị bệnh Lao thận
Phương pháp điều trị bệnh lao thông thường là sử dụng thuốc đặc trị kết hợp với một số loại thuốc điều trị các triệu chứng bệnh gây ra. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn lao mà thuốc đặc trị bệnh lao cũng sẽ được bác sĩ chỉ định liều lượng và loại thuốc khác nhau.
Điều trị bệnh lao có thể kéo dài từ 6 – 9 tháng trong điều kiện sức khỏe người bệnh khá tốt sẽ được chữa trị khỏi. Chính vì vậy, để có được kết quả điều trị tốt nhất thì người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn đồng thời kết hợp bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe những người thân xung quanh, hạn chế nguy cơ truyền nhiễm bệnh.
Bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà và thực hiện đúng quy trình mà bác sĩ điều trị đưa ra. Người bệnh cần được cách ly ở phòng riêng biệt, ăn uống và sinh hoạt tuyệt đối không chung với ai, chế độ dinh dưỡng cũng cần cung cấp đầy đủ nhằm năng cao sức đề kháng,… Trong nhiều trường hợp bệnh lao đã tiến triển nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại bệnh viện.