Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Trẻ em là đối tượng hay mắc vì sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị kịp thời, những biến chứng của bệnh sởi có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bé.
1. Làm thế nào để nhận biết bệnh sởi?
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi giống như những triệu chứng chứng của số virus, bao gồm: Ho, sốt, viêm nang đường hô hấp trên, viêm giác mạc…Vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh, các ban đỏ xuất hiện theo thứ tự lần lượt từ trên xuống dưới. Ban có màu đỏ sẫm chuyển nâu đến khi mất hẳn, có thể để lại hình ảnh vết vằn da hổ trên da.
2. Biến chứng của bệnh sởi thường gặp
Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm:
- Viêm tai giữa cấp/ Phế quản phế viêm: Đây là biến chứng thường gặp nhất.
- Viêm phổi nặng: Nguyên nhân thường do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban hoặc có thể đồng thời trong khi phát bản. Các biểu hiện bao gồm: Sốt cao, triệu chứng nhiễm trùng nặng, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X- quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác ở hai trường phổi.
- Viêm não – màng não: Là biến chứng hệ thống thần kinh trung ương, có thể gây tử vong và gây ra nhiều di chứng nặng nề sau này. Biến chứng của bệnh sởi xuất hiện vào tuần đầu khi phát ban. Các biểu hiện bao gồm: sốt cao, co giật, bí đái, đái dầm, rối loạn ý thức dẫn đế đi vào hôn mê. Điều nguy hại là khi có biến chứng viêm não thì sau khi trẻ qua được cơn nguy hiểm tính mạng, cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần về sau.
- Biến chứng tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã- tình trạng bội nhiễm vi khuẩn xuất hiện muộn do một loại vi khuẩn hoại thư gây nên hoại tử niêm mạc miệng, xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi thối.., viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác.
- Biến chứng mắt – loét giác mạc: Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.
- Suy dinh dưỡng hậu sởi.
- Sảy thai, sinh non khi mắc sởi ở phụ nữ đang mang thai.
Những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc sởi bao gồm:
- Trẻ em: Tuổi càng nhỏ thì nguy cơ mắc biến chứng càng cao.
- Trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.
- Thiếu vitamin A.
3. Cách chăm sóc cho bệnh nhân mắc sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus sởi. Đây là bệnh dễ lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Do đó khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang và vệ sinh tay đúng cách. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng hay tiêm ngừa không đủ số mũi vắc-xin, cũng có trường hợp tiêm ngừa đầy đủ nhưng không tạo được miễn dịch phù hợp.
Nguyên tắc chung: Có bốn nguyên tắc đó là:
Thứ nhất điều trị các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đỏ mắt và viêm loét miệng.
Thứ hai là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân tốt, nằm tại phòng cách ly thoáng mát, tránh gió lùa.
Thứ ba là bổ sung vitamin A, tùy vào độ tuổi mà lượng vitamin A được bổ sung sẽ khác nhau.
Và cuối cùng, cần theo dõi các dấu hiệu nặng cần đến ngay cơ sở y tế kịp thời.
Trên đây là một số biến chứng của bệnh sởi thường gặp và cách chăm sóc bệnh nhân bị sởi để tránh những trường hợp xấu, diễn tiến của bệnh nặng hơn!